VKU: Tọa đàm xây dựng Đại học số - Chia sẻ kinh nghiệm của HaUI về Hệ thống quản trị, dịch vụ số

Chiều ngày 17/02/2023, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm xây dựng đại học số cùng với sự tham gia và báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm của Ông Hoàng Anh – Giám đốc và Ông Lê Trường Giang – Phó Giám đốc thuộc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI). Về phía VKU, có sự hiện diện của PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban và hơn 150 cán bộ, giảng viên của Nhà trường tham gia.

 

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng VKU phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp đã chia sẻ, nêu rõ những quan điểm trên hành trình thực hiện đưa VKU trở thành trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và đẳng cấp quốc tế về quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp. Đây được coi là một mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đặc biệt và cực kỳ quan trọng để xây dựng VKU trở thành trường đại học số đầu tiên tại Miền Trung bao gồm đầy đủ các yếu tố: (1) Hạ tầng số với hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, thiết bị, hệ thống, máy móc thông minh, hiện đại; (2) Hệ quản trị số với đầy đủ các chức năng quản trị, quản lý và hỗ trợ ra quyết định nhanh, chính xác và hiệu quả; (3) Hệ dịch vụ số với đầy đủ chức năng quản lý, khai thác, hỗ trợ hoạt động, tương tác trên môi trường số đối với các bên liên quan (sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp,...); và (4) Cộng đồng số với đầy đủ dữ liệu và định danh số.

 

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, đối với ngành giáo dục, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng, những bước đột phá về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học. Về vấn đề cơ bản chuyển đổi số chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sở giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giáo dục truyền thống bằng phương pháp giáo dục hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức giáo dục, phương thức dạy học, phương thức quản lý giáo dục; tận dụng tối đa công nghệ hướng tới nền giáo dục chất lượng cao. Để thực hiện lộ trình chuyển đổi số; đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất đến quản lý, điều hành trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường, chuyển đổi số là quá trình lâu dài, đòi hỏi quyết tâm, kiên trì và tư duy đột phá, sức mạnh tổng hợp nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính của mỗi cơ sở giáo dục đại học.

 

Ông Hoàng Anh - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội báo cáo tại tọa đàm

 

 

Qua buổi tọa đàm hôm nay, toàn thể cán bộ Nhà trường đã được nghe báo cáo chia sẻ của Ông Hoàng Anh về quá trình thực hiện thành công chuyển đổi sổ tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, từ đó chúng ta có thể tiếp cận, tìm hiểu và nhanh chóng thực hiện triển khai các công tác chuyển đổi số tại VKU. Cũng theo chia sẻ của Ông Hoàng Anh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thuộc nhóm trường sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc. Nhà trường đã thu được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được lợi thế trong cạnh tranh và xác lập thương hiệu, uy tín cao trong xã hội. Từ nhiều năm qua, xác định vai trò của quản lý đến việc nâng cao chất lượng toàn diện trong nhà trường, hiệu lực và hiệu quả các hoạt động quản lý đã được trường HaUI đặc biệt quan tâm. Cụ thể, nhà trường đã xây dựng thành công hệ thống đại học điện tử hướng tới mục tiêu xây dựng đại học thông minh. Hệ thống đại học điện tử đã thực hiện chức năng quản trị toàn diện các hoạt động của nhà trường, từ cơ sở vật chất, tài chính tài sản, nhân sự, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu hợp tác, hoạt động quản lý sinh viện, hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh,… Trên cơ sở xây dựng thành công mô hình đại học điện tử, Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện chuyển đổi số, hướng tới việc xây dựng, phát triển mô hình đại học thông minh trong tương lai. Hệ thống đại học điện tử của Trường đã vinh dự nhận 3 giải thưởng lớn: Nhân tài Đất Việt năm 2012, Sao khuê năm 2016, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018.

 

Qua trao đổi, thảo luận tại tọa đàm, nhiều cá nhân cũng đã chia sẻ các góc nhìn đa chiều, hiểu đúng hơn về chuyển đổi số, đánh giá đúng hơn thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức lớn, đó là cả một hành trình dài, chứ không phải đơn thuần là đích đến.

 

 

VKU với vai trò và vị trí của một trường đại học đào tạo chuyên sâu công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số sẽ bước những bước đi vững chắc, triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình hướng tới xây dựng đại học số. Với khát vọng vươn xa, VKU tự tin sẽ sớm hoàn thành mục tiêu của mình trong thời gian sớm nhất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam, cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường toàn cầu.

Một số hình ảnh:

 

Trung tâm Học liệu và Truyền thông VKU

 

BÌNH LUẬN

Đối tác - hợp tác

Liên kết hữu ích