Trong quan hệ thương mại quốc tế, văn bản thỏa thuận giữa Chính phủ các nước nhằm mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy giao thương có vai trò rất quan trọng để giúp doanh nghiệp có định hướng và tham gia thương mại thuận lợi, hiệu quả hơn.
Ở giai đoạn trước đây (từ 1990 trở về trước), hình thức văn bản mà Việt Nam ký có 2 loại: hiệp định và nghị định thư. Nghị định thư là văn bản ký với các nước trong khối XHCN cũ, chủ yếu nhằm ấn định khối lượng hàng hóa dự kiến trao đổi giữa hai nước, ít mang yếu tố thị trường. Các hiệp định thương mại ký với các nước ngoài khối XHCN cũng có nội dung đơn giản, ít phát huy hiệu quả trong thực tế.
Năm 1995, Việt Nam tham gia ASEAN và cùng với đó là Hiệp định CEPT/AFTA (sau này đổi thành Hiệp định ATIGA). Đây là một cột mốc lớn, có thể coi là khởi đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định CEPT/AFTA và các hiệp định khác sau này dựa trên nền tảng các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó đưa ra nhiều quy định chặt chẽ, chi tiết về việc cắt giảm thuế quan, loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật (TBT, SPS), các biện pháp phòng vệ thương mại, thúc đẩy đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, v.v…
Chính các nội dung toàn diện như trên tạo nên sự khác biệt giữa hiệp định thương mại tự do (free trade agreement – FTA) với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký trước đó. Năm 2018, chúng ta có ký thêm một hiệp định thương mại với Cuba, mặc dù cũng có những nội dung cơ bản như trên, nhưng không gọi là hiệp định thương mại tự do.
Một số hiệp định ký gần đây (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) được gọi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm nhấn mạnh mức độ cam kết sâu hơn (ví dụ cắt giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu, đưa thuế nhập khẩu về 0% thay vì chỉ giảm đến 5%), phạm vi cam kết nhiều hơn (ví dụ tăng thêm số lượng mặt hàng đưa vào cắt giảm thuế). Ngoài ra, các hiệp định này cũng đề cập đến những nội dung mà các hiệp định thương mại tự do trước đó chưa đi sâu, như thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững.
Trong các hiệp định thương mại tự do, xuất xứ hàng hóa là một nội dung rất quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích của các thành viên hiệp định không bị chia sẻ ra bên ngoài. Nói cách khác, chỉ những quốc gia ký hiệp định mới được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan của hiệp định đó. Sơ đồ dưới đây thể hiện tên gọi các loại giấy chứng nhận xuất xứ gắn liền với mỗi hiệp định như vậy.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có hiệp định thương mại biên giới với hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia. Các hiệp định này đưa ra những ưu đãi còn cao hơn cả trong các hiệp định thương mại tự do. Và để đảm bảo các ưu đãi đó chỉ dành cho doanh nghiệp hai nước, cũng cần có giấy chứng nhận xuất xứ tương ứng (C/O Form X và Form S).
Vậy vai trò của WTO là như thế nào? WTO là một thể chế toàn cầu, thành viên bao gồm 164 nền kinh tế đại diện cho 98% thương mại thế giới. Mục tiêu của WTO là thúc đẩy thương mại tự do trên toàn thế giới thông qua các vòng đàm phán. Nhưng cũng chính vì WTO có số lượng thành viên lớn như vậy, quyền lợi của các nước và nhóm nước khác nhau, không dễ dung hòa nên tiến trình đàm phán trong WTO đã bị bế tắc từ Vòng đàm phán Doha (khởi động năm 2001) đến nay. Đây cũng là lúc chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các FTA, khi một số nước hoặc nhóm nước không thể chờ đợi giải pháp chung của WTO và muốn thúc đẩy thương mại trong một phạm vi hẹp hơn.
Các FTA có thể coi là mô hình thu nhỏ của WTO, trong một khu vực địa lý hoặc một nhóm nước nhất định. Nếu WTO đại diện cho xu hướng toàn cầu hóa (globalism) thì FTA chính là đại diện của xu hướng khu vực hóa (regionalism).
Và đi ngược với hai xu hướng trên là xu hướng bảo hộ (protectionism), khi một nước muốn đặt ra thêm các rào cản để hạn chế hoạt động thương mại.
Với thâm niên 16 năm là thành viên WTO và có trong tay 16 FTA đã ký, các bạn đã thấy Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào rồi chứ.
(Nguồn: Valoma)