Phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Cơ hội, và thách thức

01-01-1970 | 6433 lượt xem

 

Phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng, cơ hội, và thách thức

Kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Bài viết này trình bày thực trạng, cơ hội, thách thức và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất góp phần đẩy nhanh kinh tế số ở Việt Nam.

Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Đến nay, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017.


Cơ hội trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam

-       Phát triển kinh tế số ở Việt Nam đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chủ trương, giải pháp chuẩn bị cho quả trình chuyển đổi sang nền kinh tế số như: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

-       Việt Nam là một nền kinh tế năng động với môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc. Dân số Việt Nam với gần 100 triệu người đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi, thích sử dụng công nghệ.

-       Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN với hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Hiện nay xu hướng số hoá xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế…

Thách thức trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam

-       Dù khuôn khổ pháp lý có những bước tiến nhất định với nhiều bộ luật như Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Tần số vô tuyến điện (2009), Luật An ninh mạng (2018)…, tuy nhiên, thể chế của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, sự chuẩn bị luôn ở thế bị động.

-       Hạ tầng viễn thông mặc dù là điểm mạnh nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số an toàn an ninh thông tin ở mức thấp, đặc biệt là ở khối doanh nghiệp.

-       Đối với nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin – nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số, còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam.

Một số khuyến nghị đề xuất

Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Kinh tế số được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trở thành quốc gia có công nghệ phát triển. Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần triển khai một số giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý

-       Cần luật hóa những nội dung về kinh tế số để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho triển khai và thực hiện chương trình nghị sự về kinh tế số. Tiếp tục chú trọng nghiên cứu, đề xuất thêm những chính sách ưu đãi về thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

-       Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa Chính phủ điện tử… bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được thừa hưởng những tiện ích do kinh tế số mang lại.

-       Triển khai các biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý các nền tảng số toàn cầu hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp

-       Nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này. Các doanh nghiệp cần tích cực chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực khi tham gia vào nền kinh tế số.

-       Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng số, trong đó nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế.

-       Tập trung phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số. Phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đa dạng, hấp dẫn.

Về phía các cơ sở đào tạo

-       Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp.

-       Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới như internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt.

Nguồn:Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

 

 

BÌNH LUẬN

Đối tác - hợp tác

Liên kết hữu ích