Thế giới chuyển mình
Trên thế giới, năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế số, thể hiện qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống internet.
Theo đó, lưu lượng dữ liệu toàn cầu hằng tháng có thể sẽ tăng từ 230 exabyte (năm 2020) lên 780 exabyte vào năm 2026.
Quy mô của thị trường IoT toàn cầu năm 2020 là 308,97 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng từ 381,30 tỷ USD vào năm 2021 lên 1.850 tỷ USD vào năm 2028 và mức tăng trưởng hằng năm sẽ là 25,4% trong giai đoạn 2021-2028.
Tại Đông Nam Á, khu vực có khoảng 670 triệu người, kinh tế Internet được dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 sau khi đã có thêm 60 triệu người dùng internet mới kể từ khi bắt đầu xảy ra dịch COVID-19, nâng tổng số lên 440 triệu người đang sử dụng internet, với hàng chục triệu người tham gia mua sắm trực tuyến và giao hàng thực phẩm…
Nhữn con số trên phần nào cho thấy kinh tế số không còn là "khái niệm trừu tượng" nữa mà đã là thực tế vô cùng sống động.
Mục tiêu của Việt Nam
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình này có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành. Căn cứ tình hình cụ thể, từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quyết định xây dựng đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Nội dung chuyển đổi số quốc gia phải được chỉ đạo, giám sát, đánh giá định kỳ hằng năm, giữa nhiệm kỳ và mỗi 5 năm.
Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn… Qua đó, hướng tới hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021, dịch COVID-19 được coi là "cú hích trăm năm" cho chuyển đổi số đối với ngành TT&TT.
Dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến.
Nhờ đó, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành TT&TT đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và so với chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2019. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0...
Bộ TT&TT đã công bố 34 nền tảng số "Make in Viet Nam". Các doanh nghiệp công nghệ số như VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay đã có bước tiến ở chỗ không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài. Với tinh thần "Make in Viet Nam", các doanh nghiệp đã vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước.
Đặc biệt, năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng tăng 9% so với năm 2020 và cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. "Giá trị Việt Nam" trong tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt khoảng 33,568 tỷ USD (chiếm 24,65%).
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...
Cả nước đang hướng mạnh đến mục tiêu năm 2025 có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, với ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang "Make in Viet Nam", tức sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, đạt trên 45%...
Để thúc đẩy chuyển đổi số cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.
Vì vậy trong năm 2022, Bộ TT&TT đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam…
Việt Nam đang nỗ lực hướng đến mục tiêu vào năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang "Make in Viet Nam. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chúng ta vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), về chỉ số cạnh tranh (GCI) và về đổi mới sáng tạo (GII) cũng như về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Với tinh thần đó, có thể thấy, phát triển kinh tế số vừa là áp lực thời đại, vừa là cơ hội duy nhất để Việt Nam vượt thoát "bẫy thu nhập trung bình" và sớm hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường.
TS. Nguyễn Minh Phong (Báo Điện Tử Chính phủ)