10 DẤU ẤN, SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VIỆT – HÀN NĂM 2022

10 DẤU ẤN, SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VIỆT – HÀN NĂM 2022

 

1. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH KỶ NIỆM 30 NĂM THIẾT LẬP NGOẠI GIAO VIỆT NAM – HÀN QUỐC

Năm 2022, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Hòa trong không khí phấn khởi chung của Nhân dân và Chính phủ 02 nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm chào mừng, Trường Đại học CNTT và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức chương trình Chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tô đậm thêm tình hữu nghị hợp tác giữa 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời đây cũng là dịp để VKU thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến Nhân dân, Chính phủ 02 nước Việt Nam và Hàn Quốc đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng và phát triển Nhà trường trong suốt thời gian qua. Đặt biệt, tại thành phố Đà Nẵng - miền Trung, VKU nổi lên như một điểm sáng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc với sự hợp tác, đầu tư tích cực từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

 

2. KHỞI ĐỘNG ÁN ODA - PHÁT TRIỂN VKU TRỞ THÀNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG ĐẦU VIỆT NAM, HÌNH MẪU THÀNH CÔNG HỢP TÁC VIỆT NAM – HÀN QUỐC

Lễ khởi động dự án Nâng cao năng lực giáo dục – đào tạo, quản trị và nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn giai đoạn 2022 - 2027 trị giá 7,7 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA được tổ chức vào ngày 12 tháng 12 năm 2022. Dự án này có mục tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng đối với trường VKU để trở thành trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và đẳng cấp quốc tế về quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp. Với các mục tiêu cụ thể quan trọng của dự án đạt được gồm:

1. Xây dựng VKU trở thành trường đại học số đầu tiên tại Miền Trung;

2. Nâng cao năng lực quản trị và quản lý hiện đại, tiên tiến cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý của VKU, bên cạnh việc đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.

3. Nâng cao, kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình mới mang tính đột phá, dẫn dắt xã hội và thị trường lao động toàn cầu.

4. Thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, giao lưu văn hóa, học thuật với thế giới và Hàn Quốc.

Việc khởi động dự án ODA là điều kiện quan trọng để phát triển VKU hôm nay trở thành một học hiệu hàng đầu tại Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước về đào tạo, nghiên cứu công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, nhất là ở các khía cạnh thu hút tuyển sinh, chất lượng đào tạo, đội ngũ viên chức - giảng viên, cơ sở vật chất hạ tầng, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp.

 

3. VKU KHẲNG ĐỊNH UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG VỚI ĐIỂM CHUẨN TUYỂN SINH NĂM 2022 THUỘC TOP ĐẦU CỦA KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN VÀ CẢ NƯỚC

Mùa tuyển sinh 2022, VKU đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại 395 trường THPT tại 12 tỉnh/thành phố trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tổ chức ngày hội trải nghiệm VKU Campus với gần 2.000 học sinh các trường THPT tham dự và nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh online với chủ đề Hiểu đúng mình – Chọn đúng ngành – Học đúng trường.

Chính vì thế, mùa tuyển sinh 2022, VKU tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu cho 14 ngành/chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Quản trị kinh doanh, Thiết kế mỹ thuật số, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Mạng và an toàn thông tin, Marketing kỹ thuật số, Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng số, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành số, Quản trị tài chính số, Quản trị dự án công nghệ thông tin. Với hơn 20.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển ở tất cả các phương thức, thông qua hệ thống xét tuyển trực tuyến và lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm chuẩn đầu vào VKU theo hình thức xét kết quả học tập THPT từ 24 đến 25 điểm và xét theo hình thức điểm thi TN THPT từ 20,5 đến 25 điểm (điểm chuẩn năm 2022 tăng từ 2-3 điểm so với năm 2021).

 

4. KHAI TRƯƠNG KHÔNG GIAN ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO & VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ (eSTI) NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GÓP PHẦN THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ KHU VỰC MIỀN TRUNG TÂY NGUYÊN VÀ QUỐC GIA

Trong khuôn khổ Dự án ODA 7,7 triệu USD do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, VKU đã phối hợp với KOICA tổ chức Lễ khai trương Không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Viện Khoa học & Công nghệ số (eSTI). Đây là dấu ấn quan trọng của VKU trong việc sẵn sàng tiếp nhận các hạng mục của dự án ODA giai đoạn 2022-2027 nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu của dự án đề ra, đồng thời tiếp thêm sức mạnh, nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo, quản trị và nghiên cứu của Nhà trường trong thời gian đến.

Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI) sẽ là môi trường gắn kết cho việc hợp tác, trao đổi nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Nhà trường và các nhà khoa học trong và ngoài nước với 7 nhóm nghiên cứu chính như: Trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ Truyền thông Thế hệ Mới; Công nghệ mới trong y học; Vật liệu Tiên tiến; Trí tuệ nhân tạo và IoT; Hệ thống thông minh; Trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số, cùng với sự cố vấn của các chuyên gia cao cấp gồm GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành – Giáo sư nhà nước Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của IEEE SMC về Tính toán trí tuệ nhóm; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Lê Minh Hòa – Đại học Northumbria – Vương quốc Anh. 

 

5. VKU TIÊN PHONG LÀM CẦU NỐI GIỮA CÁC NHÀ KHOA HỌC, CÁC NHÀ DOANH NGHIỆP, CÁC NHÀ QUẢN LÝ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Với vị thế và vai trò của một trường Đại học duy nhất trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, định hướng đào tạo quốc tế, VKU đã tiên phong làm cầu nối giữa các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và các nhà quản lý, phối hợp với FISU Việt Nam thành lập và ra mắt FISU miền Trung - Tây Nguyên với BCH khóa 1 - nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 12 thành viên do PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn là Chủ tịch FISU miền Trung - Tây Nguyên, xây dựng và hình thành chuỗi sự kiện Trí tuệ Việt – Khát vọng toàn cầu, năm 2022 đã tổ chức được 3 sự kiện với các chủ đề: Đào tạo và sản xuất công nghệ lõi; Khởi nghiệp công nghệ; Trí tuệ nhân tạo – Chìa khóa mở tương lai, và định kỳ tổ chức hàng năm để truyền cảm ứng và thúc đẩy niềm đam mê, khát khao nghiên cứu của sinh viên nhà trường.

Mặt khác, Hội thảo Khoa học Quốc gia về Công nghệ thông tin và Ứng dụng trong các lĩnh vực (CITA 2022 – Lần thứ 11)  đánh dấu một bước phát triển mới với nhiều điểm nổi bật, đã có 110 bài báo khoa học của gần 400 tác giả trong và ngoài nước, trong đó có gần 50% bài báo được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh gửi nộp vào hội thảo. Tất cả các bài báo đều được phản biện nghiêm túc, chặt chẽ và kỹ lưỡng bởi ít nhất 02 thành viên phản biện với sự cố vấn chuyên môn của các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số như GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), GS.TS Nguyễn Thanh Thủy (Việt Nam), GS.TS Dosam Hwang (Hàn Quốc), PGS.TS Lê Minh Hòa (Anh Quốc),…

Dự kiến CITA 2023 được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng, bên cạnh FISU Việt Nam và Miền Trung - Tây Nguyên, sẽ có thêm các trường đại học đào tạo, nghiên cứu mạnh về CNTT, TT và kinh tế số ở hai đầu đất nước tham gia phối hợp chủ trì, đặc biệt CITA 2023 sẽ có thêm Proceedings tiếng Anh thuộc series LectureNote of Communication Networks của nhà xuất bản Springer, thuộc dạng mục SCopus, WoS.

 

6. MỞ RỘNG HỢP TÁC VỚI NHIỀU ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ, HƯỚNG ĐẾN MỘT HỌC HIỆU ĐẠT CHUẨN QUỐC TẾ

VKU hiện đang có mạng lưới kết nối với hơn 200 doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số và các đối tác đào tạo ở Việt Nam và trên thế giới. Với mục tiêu cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của sinh viên theo định hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Năm 2022, VKU tăng cường mở rộng hợp tác với nhiều đối tác chiến lược với 8 biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU), tiếp và làm việc với hơn 32 đoàn tổ chức, doanh nghiệp, các trường Đại học trong và ngoài nước như Pháp, Bỉ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.

 

7. ĐĂNG CAI TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CÁC KỲ THI, SÂN CHƠI HỌC THUẬT KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN VÀ CẢ NƯỚC

VKU tự hào là 1 trong 3 trường đại học công lập hàng đầu đào tạo Công nghệ thông tin của cả nước và duy nhất tại miền Trung, với vai trò và vị trí cùng với kinh nghiệm tổ chức và năng lực về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giảng viên hùng hậu, VKU luôn quan tâm và sẵn sàng phối hợp, đồng hành với các kỳ thi, sân chơi học thuật về lĩnh vực Công nghệ thông tin để góp phần tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho các thí sinh, phụ huynh tham dự, cũng như bố trí tốt nhất hệ thống hạ tầng các phòng thi, khu vực diễn ra các vòng thi, chỗ nghỉ ở ký túc xá và lực lượng cán bộ viên chức, giảng viên và tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.

Năm 2022, VKU vinh dự và tự hào là đơn vị đồng hành, đăng cai nhiều sự kiện, cuộc thi lớn về lĩnh vực công nghệ thông tin ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước như:

- Cuộc thi Lập trình đỉnh cao VNOI CUP 2022 do CLB Olympic Tin học Việt Nam tổ chức, với 12 Siêu lập trình người Việt trẻ dưới 30 đã tề tựu tại VKU để tranh tài.

- Cuộc thi Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên do VKU, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức với 1.087 học sinh của 201 trường THPT, THCS trên 40 Tỉnh/Thành trong toàn quốc tham gia.

- Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOSWC) 2022 tại Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

- Chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2022 cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Ngày hội Sáng tạo – Công nghệ năm 2022.

- Trại hè Tin học miền Trung – Tây Nguyên dành cho các thành viên Đội tuyển Olympic Tin học quốc gia và 350 giáo viên, học sinh trường THCS, THPT, THPT Chuyên thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên và nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước.

 

8. VKU CUNG CẤP NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO, ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI

Năm học 2021-2022, VKU đã trao bằng tốt nghiệp cho 370 sinh viên, trong đó có 106 tân kỹ sư/cử nhân, tốt nghiệp đại học hệ chính quy khóa đầu tiên của Nhà trường với các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy tính và Quản trị kinh doanh, và 264 tân cử nhân/kỹ sư thực hành, tốt nghiệp cao đẳng, khóa tuyển sinh 2019. Trong đó, có 15% sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại Giỏi; 20% tốt nghiệp cao đẳng đạt loại Xuất sắc và Giỏi. Đặc biệt, 100% sinh viên đại học VKU thực hiện khóa luận hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tỷ lệ có việc làm trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp và đúng chuyên ngành được đào tạo đối với sinh viên đại học là gần 95%, với mức lương trung bình từ 8-15 triệu đồng/tháng; đối với sinh viên cao đẳng là hơn 80%, trong đó 65% sinh viên có mức lương trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng và 10% sinh viên có mức lương trên 10 triệu/tháng.

 

9. SINH VIÊN VKU – NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO VÀ KHỞI NGHIỆP

Bên cạnh việc học tập nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn, sinh viên VKU được tham gia nhiều cuộc thi và các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, trải nghiệm thông các sân chơi học thuật kết hợp giữa lý thuyết và thực hành gắn liền với thực tiễn chuyên môn.

Năm 2022, lần đầu tiên đội tuyển sinh viên VKU giành được Huy chương Đồng (giải Ba) tại Vòng thi Lập trình thi đấu ICPC - Vòng châu Á (ICPC Asia HoChiMinh City 2022); 02 sinh viên năm nhất đạt 02 giải Nhất Olympic Tin học quốc gia với số điểm tuyệt đối 400/400 và nhiều giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng.

Song song với các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực, sinh viên VKU còn tham gia trải nghiệm thực tế các hoạt động, cuộc thi do Nhà trường tổ chức như Cuộc thi Sáng tạo RoboCar – Chinh phục thử thách - Lần thứ 3 – 2022; Chương trình Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo PISI 2022; Cuộc thi Thiết kế web đẹp (Best Web Design) – BWD 2022; Cuộc thi sinh viên Giỏi tiếng Anh – ETC 2022.

 

10. HỌC HIỆU VKU, MỘT CẦU NỐI VIỆT NAM – HÀN QUỐC, ĐƯỢC QUẢNG BÁ LAN TỎA TRONG CẢ NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

Với hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ được đầu tư đồng bộ, VKU được trang bị một Trung tâm dữ liệu (Data Center) với dung lượng hàng trăm Terabyte. Năm 2022, VKU tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong công tác chuyển đổi số của Nhà trường tập trung vào các hoạt động quản lý chuyên môn, điều hành tác nghiệp, hoạt động tuyển sinh, nhập học online, thu nộp học phí, lệ phí ký túc xá qua hệ thống ngân hàng và các hoạt động giảng dạy, đào tạo, quản lý sinh viên.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông quảng bá học hiệu VKU đã và đang được cộng đồng hơn 4.000 sinh viên Nhà trường trực tiếp lan tỏa, truyền thông những điều tốt đẹp mà VKU đang tạo ra, mà chính sinh viên hiện tại là một cầu nối, là kênh truyền thông hữu hiệu nhất đến với người thân, bạn bè và các thế hệ học sinh tiếp theo. Cùng với đó là sự lan tỏa thông tin từ hơn 400 tin, bài viết, phóng sự từ các đơn vị báo chí, đài truyền hình từ trung ương đến địa phương thông qua các kênh báo in, báo điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube.

 

Video tổng hợp 10 sự kiện: 


BÌNH LUẬN

Đối tác - hợp tác

Liên kết hữu ích