Nhằm phát huy khả năng sáng tạo hình thành ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn tổ chức Chương trình Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp năm 2022 (PISI 2022) với nội dung cụ thể như sau:
I. Mục đích-yêu cầu:
1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức về sáng tạo khởi nghiệp, tạo sân chơi mới cho sinh viên trong việc phát huy khả năng sáng tạo, kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới hình thành các ý tưởng có tiềm năng khởi nghiệp.
- Tạo điều kiện để sinh viên trực tiếp trải nghiệm, tiếp cận các khóa đào tạo và lan tỏa cảm hứng tư duy khởi nghiệp.
- Khuyến khích, tìm kiếm và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp SV theo định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng.
- Lựa chọn những ý tưởng sáng tạo có tính mới, khả thi nhằm tư vấn, hỗ trợ ươm tạo và kết nối với các nhà đầu tư triển khai thành hiện thực sau này.
- Thu hút và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức cá nhân, từng bước hình thành xây dựng quỹ hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại trường.
2. Yêu cầu:
- Triển khai rộng rãi đến đông đảo cán bộ giảng viên và sinh viên trong Nhà trường & các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Nội dung các bài dự thi đảm bảo: tính sáng tạo, kết nối đa lĩnh vực, phục vụ cuộc sống, có tính khả thi, định hướng khởi nghiệp và tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Sản phẩm chưa tham gia và chưa được trao bất kỳ giải thưởng nào tính đến thời điểm dự thi.
- Đảm bảo sự phối hợp giữa các đơn vị trong trường với doanh nghiệp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.
- Mỗi 1 sản phẩm/ ý tưởng tham dự thi có 1-2 giảng viên hướng dẫn (GVHD). Khuyến khích sự kết hợp của 1 giảng viên thuộc khối QTKD với giảng viên thuộc khối các ngành chuyên môn có liên quan.
II. Đối tượng tham gia
- Sinh viên trường đại học VKU đang học Học phần Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2021-2022 (Bắt buộc).
- Tất cả các học sinh, sinh viên thuộc các trường THPT, trung cấp, cao đẳng và đại học ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có thể gửi thư quan tâm và gửi đề xuất ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp đến chương trình.
- Tác giả của mỗi ý tưởng khởi nghiệp có thể là cá nhân hoặc nhóm sinh viên (nhóm sinh viên không quá 05 người). Mỗi tác giả có thể tham gia nhiều ý tưởng dự thi.
III. Quy định về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và các tiêu chí đánh giá
3.1. Quy định chung:
- Là các ý tưởng, mô hình kinh doanh, các phát minh sáng chế, các sản phẩm có khả năng thương mại hóa thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; Ứng dụng Công nghệ thông tin; Kinh tế số; Logistics, Du lịch hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần tạo sự đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
- Ưu tiên những ý tưởng gắn với việc giải quyết những nhu cầu thực tế tại địa phương, hướng đến hỗ trợ cộng đồng, người khuyết tật, sinh viên, hoặc các ý tưởng có sản phẩm mẫu….
- Ý tưởng/dự án phải có tính đổi mới sáng tạo, xuất phát từ ý tưởng, mong muốn khởi nghiệp của cá nhân/nhóm dự thi.
- Ý tưởng/dự án không sao chép của người khác, không vi phạm các luật định về sở hữu trí tuệ, phải do chính thí sinh/nhóm thí sinh xây dựng (nếu có vấn đề xảy ra liên quan tranh chấp bản quyền, Ban tổ chức sẽ hủy kết quả thi).
3.2. Quy định về thể thức, hình thức trình bày:
Hồ sơ đăng ký dự thi được trình bày bằng Tiếng Việt, đánh máy và in trên khổ A4, cỡ chữ 13, font chữ Times New Roman (Mẫu 1-YTSTKN)
- Tên của tác giả, nhóm tác giả (nêu cụ thể số lượng thành viên, ngành đang theo học). Bản thuyết minh ý tưởng (Trình bày không quá 10 trang, khuyến khích sử dụng lược đồ theo các mô hình kinh doanh);
- Bản thuyết trình ý tưởng trình bày bằng video không quá 5 phút (Mẫu 3 – YTSTKN)
- Sản phẩm mẫu, mô hình gửi kèm theo bằng ảnh hoặc các video (nếu có).
IV. Kế hoạch thực hiện: Cuộc thi được tổ chức gồm 3 vòng thi: Vòng sơ loại (Kick off); Vòng bán kết (Demo Day) và Vòng chung kết (Harvest Day)
Chi tiết theo file đính kèm: https://docs.google.com/document/d/1i8K5ZmSTSGy_odx72eWn71xqKHCQJk5N/edit?usp=sharing&ouid=105745683489985673774&rtpof=true&sd=true
Khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử